Sụn chêm đóng vai trò quan trọng như một bộ giảm xóc khi chạy, giúp đệm khớp gối khi chuyển trọng lượng từ xương đùi sang xương ống quyển. Người chạy bộ thường gặp phải các thay đổi thoái hóa ở sụn chêm, do mô mòn dần theo thời gian hoặc áp lực lớn từ việc chạy bộ thường xuyên. Những vết nứt nhỏ có thể gây viêm, đau và tăng nguy cơ rách cấp tính.

Phẫu thuật không phải luôn là giải pháp, vì phương pháp này có thể để lại di chứng khó khắc phục.

>>> Đọc thêm: Xóc hông khi chạy bộ - Khắc phục. 

Chấn thương rách sụn chêm có thể được hiểu như thế nào?

Rách sụn chêm, hay còn gọi là rách sụn đầu gối (Torn Meniscus; Meniscus Tears), là một trong những dạng chấn thương phổ biến nhất ở đầu gối. 

Đầu gối bị rách rụn chêm

 

Tình trạng này thường xảy ra khi bạn di chuyển hoặc xoay gối đột ngột, đặc biệt khi đầu gối chịu toàn bộ trọng lượng cơ thể.

Sụn chêm đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định khớp và bảo vệ xương khỏi bị mài mòn. Tuy nhiên, một động tác xoay gối bất ngờ khi tập luyện, chơi thể thao, hoặc gặp tai nạn lao động, giao thông có thể khiến sụn chêm bị tổn thương, dẫn đến rách hoặc vỡ. Rách sụn chêm gây ra cảm giác đau nhức, sưng tấy, cứng khớp, và đôi khi bạn có thể cảm nhận được một khối cộm chuyển động bên trong đầu gối, làm hạn chế khả năng co duỗi.

Tình trạng này thường gặp ở:

  • Vận động viên: Những người thường xuyên tập luyện hoặc thi đấu với cường độ cao, khiến khớp gối chịu áp lực lớn, chẳng hạn như người chơi bóng đá, bóng rổ, quần vợt, hoặc chạy bộ.
  • Người cao tuổi: Khi tuổi tác tăng, sụn chêm có xu hướng bị mòn và suy yếu, làm tăng nguy cơ chấn thương.

Dấu hiệu của chấn thương rách sụn chêm

Rách sụn chêm có thể biểu hiện với nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau, ảnh hưởng lớn đến quá trình chạy và vận động của bạn. Một vết rách nhỏ có thể không gây cảm giác đau ngay lập tức và thậm chí bạn không nhận ra mình đã bị chấn thương. Trong khi đó, một vết rách lớn hơn nhưng lành tính vẫn có khả năng tự phục hồi mà không cần can thiệp.

Nhận biết qua các dấu hiệu như thế nào?

Khi mới gặp chấn thương, nhiều người vẫn có thể di chuyển bình thường, thậm chí tiếp tục hoạt động thể thao. Tuy nhiên, sau khoảng 2-3 ngày, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện rõ rệt, chẳng hạn:

  • Sưng hoặc cứng khớp, đặc biệt sau khi khớp không vận động trong vài giờ;

  • Đau và khó khăn khi duỗi thẳng chân hoặc xoay đầu gối;

  • Cảm giác khớp bị “kẹt”, khó co hoặc duỗi;

  • Âm thanh lục cục phát ra từ khớp khi vận động;

  • Đau khi ấn vào vùng khe khớp gối;

  • Gây khó khăn trong việc di chuyển, tập luyện;

Ngoài các triệu chứng trên, vẫn có thể xuất hiện những dấu hiệu khác không phổ biến tùy theo bệnh nhân và tuỳ trường hợp. Trong trường hợp gặp các dấu hiệu trên lặp đi lặp lại, bạn nên tìm đến bác sĩ để được tư vấn và chẩn đoán chính xác.

 

Theo Học viện Y học Thể chất và Phục hồi chức năng Hoa Kỳ (APMR), rách sụn chêm phổ biến nhất ở nhóm người từ 21 đến 30 tuổi. Tuy nhiên, các vết rách thoái hóa thường xuất hiện ở độ tuổi cao hơn, cụ thể là từ 41 đến 50 tuổi ở nam giới và 61 đến 70 tuổi ở phụ nữ.

>>> Tại sao nên ngâm nước đá sau khi tập thể thao? 

Các phương pháp điều trị đối với chấn thương rách sụn chêm

Những vết rách sụn chêm nhẹ có thể tự lành trong khoảng 4-8 tuần. Tuy nhiên, với các trường hợp nghiêm trọng hơn, phẫu thuật có thể là giải pháp cần thiết, và thời gian hồi phục sau phẫu thuật có thể kéo dài đến 6 tháng.

Phương pháp điều trị chấn thương rách sụn chêm

 

Theo thống kê, khoảng 10-20% các ca phẫu thuật chỉnh hình liên quan đến việc xử lý rách sụn chêm. Nhiều trường hợp trong số này là một phần của quá trình phẫu thuật sửa chữa dây chằng chéo trước (ACL) – một chấn thương thường gặp khác trong thể thao.

Quy trình xử lý rách sụn chêm:

Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ đưa ra phương pháp điều trị dựa trên loại rách, kích thước và vị trí của vết rách. Quyết định phẫu thuật không chỉ dựa vào kích thước mà còn dựa trên các yếu tố khác như:

  • Sự lão hoá và thói quen vận động;

  • Các triệu chứng hiện tại và mức độ ảnh hưởng của vết rách đến chất lượng cuộc sống;

  • Chức năng vận động và khả năng chịu đựng của đầu gối sau chấn thương;

Bác sĩ sẽ đặc biệt chú trọng đến cách vết rách ảnh hưởng đến khả năng vận động và sinh hoạt của bệnh nhân.

Không phải rách vị trí nào cũng cần phải phẫu thuật:

Vết rách ở phần ngoài của sụn chêm: Khu vực này có kết nối với nguồn cung cấp máu, do đó vết rách có khả năng tự lành mà không cần phẫu thuật.

Vết rách ở phần trong của sụn chêm: Phần này không được cung cấp máu, nên vết rách thường không thể tự phục hồi. Trong các trường hợp này, bác sĩ có xu hướng thực hiện phẫu thuật để loại bỏ phần sụn bị rách.

Yếu tố được bác sĩ quan tâm nhất là chức năng của khớp gối và mức độ vết rách ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của bạn.

Nếu vết rách nhỏ và nằm ở mép ngoài của sụn chêm, bạn có thể không cần phẫu thuật, miễn là các triệu chứng không xuất hiện và khớp gối vẫn duy trì sự ổn định. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể khuyến nghị bạn áp dụng liệu trình RICE – một phương pháp phổ biến và hiệu quả đối với nhiều chấn thương thể thao.

  • Tạm dừng các hoạt động gây áp lực lên đầu gối. Bác sĩ có thể đề nghị sử dụng nạng để tránh đặt trọng lượng lên chân bị chấn thương;

  • Dùng túi chườm lạnh áp lên vùng đầu gối trong khoảng 20 phút mỗi lần, lặp lại nhiều lần trong ngày. Tránh đặt đá trực tiếp lên da để không gây kích ứng hoặc bỏng lạnh;

  • Sử dụng băng ép đàn hồi để giảm sưng và hạn chế mất máu tại vùng chấn thương;

  • Khi nghỉ ngơi, nằm xuống và đặt chân lên cao hơn mức tim để giảm sưng nhanh hơn;

Thực hiện đúng liệu trình RICE sẽ giúp giảm đau, hạn chế sưng, và tạo điều kiện cho đầu gối hồi phục tốt hơn mà không cần can thiệp phẫu thuật.

Đề xuất phương pháp vật lý trị liệu 

Ngay cả khi bác sĩ không chỉ định phẫu thuật, nhưng có thể bạn lo ngại rằng việc để sụn chêm tự phục hồi đồng nghĩa với việc chấp nhận nguy cơ chấn thương nghiêm trọng hơn trong tương lai. Đây là mối lo chung của nhiều người chạy bộ. Tuy nhiên, phẫu thuật không phải là phương pháp điều trị duy nhất khi mắc chấn thương rách sụn chêm, đặc biệt khi nghiên cứu đã chỉ ra rằng phẫu thuật đôi khi có thể mang lại những tác động tiêu cực đối với một số người.

Việc ưu tiên vật lý trị liệu trước tiên là một lựa chọn hợp lý. Kế hoạch phục hồi thường bắt đầu với việc cải thiện khả năng vận động, đảm bảo khớp gối có thể duỗi thẳng và uốn cong hoàn toàn mà không gây đau. Sau đó, chuyển sang tăng cường sức mạnh.

Kế hoạch tăng cường sức mạnh bao gồm:

  • Cơ tứ đầu: Tăng cường cơ này giúp giảm áp lực tác động lên khớp gối;

  • Cơ mông và hông: Các bài tập tập trung vào nhóm cơ này giúp cải thiện sự cân bằng và ổn định tổng thể;

Mục tiêu của các bài tập sức mạnh là tạo sự ổn định tối ưu cho khớp gối, giảm nguy cơ tái chấn thương.

Nếu bạn chưa gặp chấn thương nhưng muốn giảm thiểu nguy cơ, các bài tập rèn luyện sức mạnh và ổn định chéo là một lựa chọn thông minh. 

  • Tập thể thao đều đặn để tăng độ dẻo dai và sức bền của khớp gối;

  • Duy trì tư thế đúng trong lao động và sinh hoạt hàng ngày;

  • Tránh xoay gối đột ngột hoặc thực hiện các động tác mạnh không kiểm soát;

  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để tránh tổn thương tái phát sau khi điều trị;

Mỗi chấn thương đều có đặc điểm riêng, và không phải lúc nào phẫu thuật cũng là giải pháp tối ưu. Trong nhiều trường hợp, vật lý trị liệu kết hợp với các bài tập sức mạnh có thể phục hồi chức năng và giúp bạn trở lại chạy bộ một cách an toàn. Nhưng nếu tình trạng của bạn đòi hỏi phẫu thuật, đây có thể là lựa chọn tốt nhất để đảm bảo sức khỏe lâu dài.

>>> Đọc thêm: Hướng dẫn chạy bộ đúng dành cho người mới.